Tin Tức Các hoạt động của Trung tâm y tế Hải Hà

TRUNG TÂM Y TẾ HẢI HÀ SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ: LỒNG RUỘT

Thứ ba - 14/05/2024 05:25
TRUNG TÂM Y TẾ HẢI HÀ SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ: LỒNG RUỘT
Ngày 09/5/2024, Trung tâm Y tế Hải Hà sinh hoạt chuyên đề: Lồng ruột. Tham dự buổi sinh hoạt có Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Lam – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế Hải Hà; Cùng bác sĩ, điều dưỡng tại các khoa, phòng TTYT.
Bác sĩ CKI Triệu Việt Cường cho biết Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Bệnh hầu như chỉ gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ.
Bệnh lồng ruột ở trẻ em là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột bao gồm ruột non và ruột già, trong đó một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng đoạn ruột phía dưới (hay ngược lại) làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Khi đoạn ruột chui vào kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào theo, khiến cho các mạch máu bị thắt nghẹt gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu.
Bệnh lồng ruột ở trẻ em diễn biến rất nhanh nên nếu không được điều trị kịp thời ruột sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu gây đe dọa tính mạng.
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, bệnh chỉ xảy ra tạm thời và có thể tự hết nhưng có thể tái phát. Đa số sự tái phát bệnh diễn ra trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi chữa trị. Khi trẻ lớn lên, nguy cơ tái phát bệnh sẽ giảm.
* Bệnh cảnh thường gặp:
- Trẻ đang ăn uống bình thường bỗng đột ngột khóc thét, bỏ bú, da tím tái báo hiệu các đoạn ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó, trẻ tạm thời nín khóc, thậm chí bú lại nhưng khi cơn đau tái phát trẻ lại khóc thét từng cơn, ưỡn người, bỏ bú, nôn ói nhiều lần.
- Vài giờ sau: trẻ mệt lả, da xanh xao, nhợt nhạt.
- Sau khoảng 6-12 giờ: trẻ đi tiêu phân máu đỏ tươi có lẫn chất nhầy, da lạnh tái, môi khô, mạch nhanh, mắt trũng.
- Sau khoảng 24 giờ mà vẫn chưa được xử trí: trẻ sẽ bị nôn ói liên tục, chướng bụng, da lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh nông, thở nhanh nông, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử.

* Các biện pháp điều trị bệnh Lồng ruột
- Nếu trẻ đến sớm:
+ Tháo lồng bằng hơi: bác sĩ đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng, dưới hướng dẫn của máy X-quang tại chỗ, bác sĩ sẽ bơm hơi dần vào ruột già với một áp lực vừa phải để kéo giãn đoạn ruột lồng cho đến khi khối lồng được tháo ra hoàn toàn
Phương pháp điều trị này có tỷ lệ thành công khá cao và trẻ không cần phải trải qua đau đớn bằng phẫu thuật.
+ Đặt ống thông mũi - dạ dày: giúp giảm áp lực trong ruột non
- Nếu trẻ đến muộn trên 6 giờ hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại:
+ Phẫu thuật để tháo khối ruột lồng
+ Kháng sinh để điều trị nhiễm trùng
+ Nếu trẻ đến muộn trên 24 giờ: phẫu thuật để cắt đoạn ruột đã hoại tử. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn và phức tạp, trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
Khi gặp các biểu hiện trên hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:trung tâm, y tế, hải hà, sinh hoạt

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn