Trung tâm y tế huyện Hải Hà

Tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19

Đăng lúc: Thứ ba - 16/03/2021 14:53 - Người đăng bài viết: Trung tâm y tế huyện Hải Hà
Tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19
Quảng Ninh là một trong 13 tỉnh được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 năm 2021. Để triển khai công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng vắc xin hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp - Phó trưởng khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soạt bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.
 
Phóng viên: Quảng Ninh là địa phương được phân bổ vắc xin phòng Covid-19 trong đợt 1, xin bác sĩ cho biết đến thời điểm này công tác chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại tỉnh như thế nào?
 
Bs.CKI Trần Thị Diệp: Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đạn 2021-2022; Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 06/3/2021 của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin COVID-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, chuẩn bị cho việc tiếp nhận bảo quản vắc xin; xây dựng bảng biểu thống kê lập danh sách và báo cáo; tham mưu cho Sở Y tế lựa chọn địa phương, đối tượng ưu tiên, cụ thể đối tượng ưu tiên trong đợt này là nhân viên y tế các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 như Bệnh viện số 2, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Bệnh viện Sản Nhi, các địa phương có ca bệnh Covid-19; lưa chọn  hình thức tổ chức triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1; rà soát toàn bộ nhân lực y tế trên toàn tỉnh hiện đang tham gia hoạt động tiêm chủng bao gồm: Cán bộ trong hệ thống tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng viêm gan B tại bệnh viện, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đảm bảo đầy đủ nhân lực và cơ sở vật chất chu đáo nhất để triển khai tiêm;  CDC là đầu mối tổng hợp, thống kê đối tượng tiêm đợt 1 và đối tượng tiêm toàn tỉnh; đồng thời, tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai tiêm vắc xin Covid-19 và kế hoạch tiêm vắc xin đợt 1, xây dựng kinh phí triển khai; chuẩn bị các nội dung đào tạo tập huấn cho toàn thể cán bộ y tế trước khi triển khai tiêm, đảm bảo triển khai tiêm chủng an toàn.

 
Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều
 
Phóng viên: Vắc xin phòng Covid-19 được sử dụng trong đợt tiêm này có những đặc điểm gì cần lưu ý, thưa bác sĩ?

 

Bs.CKI Trần Thị Diệp: Vắc xin sẽ sử dụng là vắc xin AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc. Được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.

 

- Vắc xin dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, mỗi liều 0,5 ml.

 

- Bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C.

 

- Vắc xin có hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vắc xin đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.

 

- Liều lượng, đường tiêm: tiêm bắp, liều 0,5ml

 

- Lịch tiêm: gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng.

 

- Chỉ định tiêm cho nhóm đối tượng đặc biệt:

 

+ Người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền: cần tiêm vắc xin vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.

 

+ Phụ nữ có thai: cân nhắc tiêm vắc xin khi lợi ích của vắc xin vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi.

 

+ Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch: tiêm vắc xin nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng

 

+ Người bị nhiễm SARS-CoV2 trước đó: chỉ định tiêm dù có triệu chứng hoặc không triệu chứng.

 

+ Người đang mắc COVID-19: tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.

 

+ Người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng COVID-19 điều trị trước đó: tiêm sau 90 ngày.

 

+ Khuyến cáo tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vắc xin phòng COVID-19.


Vắc xin sẽ sử dụng trong tiêm chủng phòng COvid-19 đợt 1  là vắc xin AstraZeneca
 
Lưu ý tiêm chủng đồng thời cùng các vắc xin khác:

 

+ Nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vắc xin phòng bệnh khác.

 

Phóng viên: Người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 cần chú ý những gì trước, trong và sau khi tiêm, thưa bác sĩ?

 

Bs.CKI Trần Thị Diệp: Một số chú ý cho người được tiêm vắc xin Covid-19:

 

Khai báo bệnh sử đầy đủ khi được khám sàng lọc trước tiêm chủng:

 

- Tình trạng sức khoẻ hiện tại: phát hiện các bệnh lý cấp tính, đặc biệt tình trạng bệnh gợi ý covid-19…

 

- Tiền sử tiêm vắc xin phòng Covid-19:  vì các vắc xin phòng COVID-19 không thay thế được cho nhau nên cần khai thác chính xác loại vắc xin và thời gian đã tiêm vắc xin;

 

- Tiền sử tiêm vắc xin khác hoặc trong vòng 14 ngày;

 

- Tiền sử dị ứng bản thân, gia đình..dị ứng các loại dụ nguyên khác…

 

-  Tiền sử dị ứng nặng, bao gồm phản vệ;

 

- Tiền sử dị ứng với vắc xin và bất kỳ thành phần nào của vắc xin;

 

- Tiền sử bị COVID-19;

 

- Tiền sử điều trị huyết tương từ người đã được điều trị khỏi COVID-19;

 

- Tiền sử suy giảm miễn dịch do HIV, ung thư, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch;

 

- Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông;

 

- Đang mang thai và đang cho con bú.

 

- Sau khi được tư vấn khám sàng lọc, đối tượng tiêm chủng đọc thông tin và ký Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

 

- Đối tượng tiêm chủng tải App Sổ sức khỏe điện tử và đăng kí tài khoản trên ứng dụng để theo dõi lịch sử tiêm chủng vắc xin Covid-19 và chủ động khai báo về sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

 

- Sau khi tiêm chủng, ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng tại nhà sau tiêm chủng.

 

+ Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.

 

+ Theo dõi biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…).

 

+ Theo dõi thân nhiệt: sốt? nếu sốt cần cặp nhiệt độ ? sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt.

 

+ Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và kịp thời xử trí.

 

+ Đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt cao  ≥ 39°C, khó hạ nhiệt độ, co giật, phát ban, khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ, khó thở…

 

Phóng viên: Bác sĩ có khuyến cáo gì để đảm bảo công tác tiêm chủng được diễn ra an toàn, đồng thời phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại điểm tiêm chủng?

 

Bs. CKI Trần Thị Diệp: Để đảm bảo công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, đồng thời phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19 tại điểm tiêm chủng, cần lưu ý một số điểm sau:

 

Yêu cầu đối tượng tiêm chủng, người nhà khi đến tiêm chủng đều phải đeo khẩu trang.

         

Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng đến tiêm chủng và người đi cùng thực hiện khai báo y tế.

 

Thực hiện đo nhiệt độ, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ có bệnh đường hô hấp và có các yếu tố dịch tễ.

 

Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo giãn cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng: Đón tiếp, hướng dẫn khai báo y tế →Khu vực chờ trước tiêm chủng →Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng, ghi chép, vào sổ tiêm chủng →Khu vực ở lại theo dõi sau tiêm chủng.

 

Bố trí đủ diện tích ở khu vực chờ trước tiêm chủng và khu vực ở lại theo dõi sau tiêm chủng để đảm bảo giãn cách giữa các đối tượng.

 

Hướng dẫn các đối tượng tiêm chủng sau khi tiêm vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (thông điệp 5K).

 

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

 
Nguồn: Hải Ninh ( CDC Quảng Ninh) 
http://www.soytequangninh.gov.vn/GD_WS/Tintuc_Chitiet.aspx?NewsId=11698

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Fanpage TTYT Hải Hà

CÁC ĐƠN VỊ Y TẾ QUẢNG NINH

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bệnh viện Sản Nhi Bệnh viện Bãi Cháy Trung tâm kiểm soát bệnh tật - CDC Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả Bệnh viện Lao và phổi Bệnh viện lão khoa Bệnh viện Y dược cổ truyền Trung tâm y tế Hạ Long Trung tâm y tế Ba Chẽ Trung tâm y tế Bình Liêu Trung tâm y tế Đầm Hà Bệnh viện đa khoa Hạ Long Trung tâm y tế Tiên Yên Trung tâm y tế Vân Đồn Trung tâm y tế Cẩm Phả Trung tâm Y tế Móng Cái Trung tâm Y tế Uông Bí Trung tâm y tế Đông Triều Trung tâm y tế Quảng Yên