1. Mật độ xương là gì?
Mật độ xương là chỉ số đo lường sự chắc khỏe của xương, phản ánh mức độ khoáng chất có trong xương, đặc biệt là canxi. Khi xương có mật độ trong giới hạn bình thường theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), xương sẽ khỏe mạnh và ít có nguyên cơ bị tổn thương, gãy xương. Ngược lại, khi mật độ xương giảm xuống, tạo điều kiện cho các bệnh lý về xương như thiểu xương, loãng xương, từ đó xương trở nên yếu và dễ gãy.
2. Vì sao phải đo mật độ xương?
Đo mật độ xương là một phương pháp quan trọng để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe xương, đặc biệt là bệnh loãng xương. Bệnh loãng xương là một tình trạng phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, khiến cho xương trở nên dễ gãy. Việc đo mật độ xương giúp xác định mức độ rủi ro của người bệnh trong việc phát triển bệnh loãng xương, từ đó có kế hoạch điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
3. Lợi ích của việc đo mật độ xương:
- Phát hiện sớm bệnh loãng xương và các bệnh lý gây ra loãng xương:
Đo mật độ xương giúp phát hiện sớm tình trạng loãng xương trước khi xương bị gãy cũng như hỗ trợ gợi ý phát hiện các bệnh lý gây ra loãng xương ở các đối tượng trẻ tuổi, giúp bác sĩ có thể đưa ra các phương án điều trị như thay đổi lối sống, sử dụng thuốc điều trị kịp thời. Việc này giúp giảm thiểu nguy cơ gãy xương và các biến chứng nguy hiểm liên quan đến gãy xương.
- Lên kế hoạch phòng ngừa và điều trị:
Thông qua kết quả đo mật độ xương, bác sĩ có thể đưa ra các hướng dẫn về chế độ ăn uống, bổ sung canxi, vitamin D, và các bài tập giúp cải thiện sức khỏe xương. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê thuốc giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.
- Giảm chi phí và gánh nặng điều trị sau này:
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề về mật độ xương sẽ giúp chẩn đoán loãng xương sớm cũng như tìm các nguyên nhân gây loãng xương ở các đối tượng đặc biệt như ở người trẻ, từ đó giảm thiểu nguy cơ gãy xương cũng như phát hiện sớm các bệnh lý như ung thư, giảm thiểu chi phí điều trị, thời gian nằm viện và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
4. Ai nên đo mật độ xương?
Mọi người đều có thể kiểm tra mật độ xương, nhưng những đối tượng sau đây đặc biệt cần lưu ý:
- Phụ nữ từ 45 đến 50 tuổi, đặc biệt là những người đã mãn kinh.
- Nam giới trên 65 tuổi.
- Những người có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc gãy xương.
- Những người sử dụng thuốc steroid trong thời gian dài.
- Những người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, như chế độ ăn thiếu canxi, vitamin D, ít vận động, hút thuốc lá hoặc uống rượu bia quá mức.
5. Vậy những ai không nên đo mật độ xương?
- Phụ nữ có thai.
- Những người có kim loại (máy móc, thiết bị,…) tại vị trí đo (cột sống, cổ xương đùi…).
- Những người đã sử dụng thuốc cản quang đường uống hoặc được tiêm truyền tĩnh mạch trong vòng 2 tuần.
6. Quy trình đo mật độ xương:
Quá trình đo mật độ xương rất đơn giản và không đau đớn. Phương pháp phổ biến nhất là đo mật độ xương bằng máy DEXA (Dual-Energy X-ray Absorptiometry), sử dụng tia X với liều lượng rất thấp để đo mật độ xương. Thời gian thực hiện chỉ kéo dài từ 10 đến 20 phút, và bạn có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường ngay sau khi hoàn thành xét nghiệm.
7. Kết luận:
Đo mật độ xương là một bước quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe xương và ngăn ngừa các bệnh lý liên quan. Việc kiểm tra định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của loãng xương, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp hiệu quả để bảo vệ xương khỏe mạnh suốt đời. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn ngay hôm nay bằng cách chủ động kiểm tra mật độ xương!
Tác giả: Trung tâm Y tế Hải Hà
Những tin cũ hơn