Bộ phim cũng là hành trình tìm lại những tư liệu về Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm cả đời tận tụy, cống hiến cho ngành y học nước nhà nói chung, ngành y và nhân dân Quảng Ninh nói riêng.
Để thực hiện bộ phim tài liệu này, ngoài những hình ảnh quay trong tỉnh và tư liệu xưa, đoàn làm phim đã phải ra tỉnh ngoài để tìm hiểu, thu nhập thông tin và tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia, nhà khoa học đã từng học tập, công tác cùng bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm.
Bộ phim không chỉ mang đến cho khán giả truyền hình cái nhìn toàn cảnh mà còn hiểu được những khó khăn, hy sinh cùng tâm huyết của người thầy thuốc suốt đời tận tụy, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm sinh ngày 17/3/1933 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, quê cha ở Hà Đông (Hà Nội), quê mẹ ở TX Quảng Yên (Quảng Ninh). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông theo học Trường trung học Albert Saraut tại Hà Nội. Từ năm 1954 đến 1960, ông trở thành sinh viên y khoa Đại học Y dược Hà Nội, khóa đầu tiên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là khóa sinh viên đặc biệt, vừa học vừa làm. Họ đều là những học trò ưu tú của giáo sư Tôn Thất Tùng, nhanh chóng trở thành những thầy thuốc, thầy giáo nòng cốt trong công tác điều trị và đào tạo ở khắp cả nước. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm là 1 trong 6 sinh viên xuất sắc nhất của khóa. Ông được phân công về công tác tại Móng Cái, tiếp nhận công việc với một vài trang thiết bị y tế sơ sài cùng cơ sở vật chất hầu như không có gì. Trong gần 20 năm gắn bó với Móng Cái, ông đã đi khắp 7 huyện miền Đông của tỉnh, đến những vùng sâu vùng xa, kịp thời xử lý những ca cấp cứu hiểm nghèo nhất. Năm 1981, khi Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đi vào hoạt động, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm được Bộ Y tế cử làm Giám đốc và giữ chức vụ này đến năm 2003. Ông đã từng nói: “Bệnh viện phải không tường, luôn hướng về cộng đồng, không còn bức tường ngăn cách”. Một tư duy rất mới mẻ, tiên phong và tiến bộ. Ghi nhận những đóng góp của ông trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và xây dựng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, năm 2000, ông vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. |
động viên, phong trào, thi đua, lao động, sản xuất, xây dựng, xã hội, văn minh, tỉnh ủy, quảng ninh, trung tâm, phối hợp, uông bí, y tế, thực hiện, tài liệu, thầy thuốc, nhân dân, anh hùng
Ý kiến bạn đọc