Sau khi nhận chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch từ Bệnh viện Tim Hà Nội, đến nay, Bệnh viện Bãi Cháy đã làm chủ được các kỹ thuật và đưa Trung tâm Can thiệp tim mạch vào hoạt động.
Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Bãi Cháy tiến hành kỹ thuật chụp chẩn đoán động mạch vành cho bệnh nhân.
Thiếu bác sĩ và nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ sở y tế luôn là nỗi lo thường trực của ngành Y tế tỉnh những năm qua. Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có khoảng 900 bác sĩ, trong đó có khoảng 790 người làm ở các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ bình quân bác sĩ/vạn dân ở Quảng Ninh khi đó cao hơn mức bình quân chung cả nước, tuy nhiên phần lớn số bác sĩ tập trung ở các đơn vị y tế tuyến tỉnh, nhiều nơi rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là ở các đơn vị y tế tuyến huyện, đơn vị y tế dự phòng.
Trước bối cảnh này, ngành Y tế tỉnh đã chủ động đề ra nhiều biện pháp để thu hút bác sĩ, cán bộ có chuyên môn cao về làm việc tại địa phương. Ngành đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhất là bác sĩ về làm việc. Ngành xây dựng các chính sách thu hút đặc thù để giữ chân các bác sĩ giỏi yên tâm công tác lâu dài; quảng bá, tuyên truyền tại các trường đại học y, dược để thu hút bác sĩ mới tốt nghiệp; đưa chỉ tiêu thu hút, tuyển dụng bác sĩ, nhân lực chất lượng cao của mỗi đơn vị trở thành một tiêu chí thi đua trong ngành. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ năm 2012 đến nay, đã có trên 450 bác sĩ đào tạo chính quy về công tác tại các đơn vị trong toàn ngành. Đặc biệt, còn thu hút được tiến sĩ, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I từ các cơ sở điều trị như: Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), Bệnh viện Trường Đại học Y Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình… về làm việc tại tỉnh.
Bên cạnh thu hút bác sĩ, ngành Y tế tỉnh tích cực cử cán bộ đi đào tạo sau đại học, đào tạo theo ê-kíp hoặc đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong đó, chú trọng đào tạo các chuyên khoa mũi nhọn để bổ sung nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu; quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, kỹ thuật cho các cán bộ y tế. Từ năm 2010, ngành đã không thực hiện đào tạo cử tuyển, từng bước hạn chế công tác đào tạo liên thông để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngành cũng tăng cường đào tạo về lý luận chính trị và quản lý nhà nước cho cán bộ chủ chốt, cán bộ diện quy hoạch của các đơn vị trong toàn ngành; tổ chức các phong trào học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ…; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Bác sĩ Trần Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, hướng dẫn nhân viên Trạm Y tế xã Thanh Lân (huyện Cô Tô) kỹ thuật siêu âm sản khoa.
Thực hiện Đề án 25, ngành đã đổi mới hoạt động của hệ thống trạm y tế theo 3 mô hình; từng bước chuyển sang hình thức hợp đồng làm việc đối với đối tượng không thuộc diện thu hút hoặc thực hiện các gói hợp đồng dịch vụ v.v.. Ngành không tăng biên chế từ nay đến hết năm 2016, đồng thời đề nghị giảm 90 biên chế trong tổng số biên chế được giao năm 2016. Sở Y tế cũng chủ động điều chuyển 80 biên chế chưa sử dụng trong ngành cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh để tuyển dụng bác sĩ, bố trí nhân lực, đưa Bệnh viện đi vào hoạt động hiệu quả.
Hiện ngành Y tế tiếp tục thực hiện chỉ tuyển dụng vào biên chế đối với các đối tượng diện thu hút (bác sĩ, kỹ thuật viên có kinh nghiệm); không tuyển dụng bác sĩ đào tạo hệ liên thông vào các đơn vị y tế hệ điều trị tuyến tỉnh. Năm nay, ngành chỉ đạo thực hiện phân chia thu nhập tăng thêm theo năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc, để khuyến khích người lao động, nhất là những người có năng lực, trình độ, trách nhiệm với công việc tiếp tục cống hiến.
- Hiện ngành Y tế tỉnh quản lý trên 1.250 bác sĩ, đạt 10,2 bác sĩ/vạn dân (đầu nhiệm kỳ là 6,5 bác sĩ/vạn dân).
- Tổng số bác sĩ trên địa bàn là 1.503 người (thêm Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, các đơn vị y tế ngành Than, bác sĩ ngoài công lập), đạt tỷ lệ 12,26 bác sĩ/vạn dân.
- 30% số bác sĩ trên địa bàn có trình độ sau đại học, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
y tế, xác định, nhân lực, khâu đột, phát triển, quan tâm, chỉ đạo, thực hiện, giải pháp, thu hút, bác sĩ, đào tạo, nâng cao, nghiệp vụ, cán bộ, góp phần, công tác, chăm sóc, sức khoẻ
Ý kiến bạn đọc