WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19 và quyết định chưa từng có để quản lý COVID-19

COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 5/5/2023. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh điều đó không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Tổ chức này sẽ thành lập Ủy ban Đánh giá nhằm xây dựng các khuyến nghị dài hạn, thường trực cho các quốc gia về cách quản lý COVID-19 trên cơ sở duy trì liên tục.

Kết thúc hơn 1200 ngày dịch bệnh COVID-19 ở mức báo động cao nhất theo luật pháp quốc tế

Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong năm qua, Ủy ban Khẩn cấp và WHO đã phân tích dữ liệu một cách cẩn thận và cân nhắc thời điểm thích hợp để hạ thấp mức cảnh báo.


Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
 

“Cách đây đúng một nghìn hai trăm hai mươi mốt ngày, WHO đã biết về một chùm ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Trong ba năm kể từ thời điểm đó, COVID-19 đã làm đảo lộn thế giới của chúng ta. Gần 7 triệu ca tử vong đã được báo cáo với WHO, nhưng chúng tôi biết con số này còn cao hơn nhiều lần – ít nhất là 20 triệu.

Nhưng COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe. COVID-19 đã gây ra biến động kinh tế nghiêm trọng, làm mất đi hàng nghìn tỷ đô la GDP, làm gián đoạn hoạt động đi lại và thương mại, đóng cửa các doanh nghiệp và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

COVID-19 đã gây ra biến động xã hội nghiêm trọng, biên giới bị đóng cửa, di chuyển bị hạn chế, trường học bị đóng cửa và hàng triệu người trải qua nỗi cô đơn, tình trạng bị cô lập, lo lắng và trầm cảm.

COVID-19 đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm các vết đứt gãy về chính trị, trong và giữa các quốc gia. Nó làm xói mòn niềm tin giữa con người, các chính phủ và các tổ chức, bị làm trầm trọng thêm bởi một loạt thông tin sai lệch và sai sự thật.

Và COVID-19 đã vạch trần sự bất bình đẳng nhức nhối trong thế giới của chúng ta, các cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất và là những người cuối cùng được tiếp cận vắc xin và các công cụ khác.

Trong hơn một năm nay, đại dịch đang có xu hướng giảm, khả năng miễn dịch của người dân tăng lên nhờ tiêm chủng, tình trạng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong giảm và áp lực đối với các hệ thống y tế cũng giảm bớt. Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19”.

Chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19

 

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19 không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Vì thế, không nên sử dụng tin tức này làm lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống phòng chống COVID-19 mà mỗi quốc gia đã xây dựng hoặc gửi đi thông điệp tới người dân. “Ủy ban Khẩn cấp đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng các quốc gia không được ngừng các hoạt động của mình”. Thay vì điều đó, các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
 

“Khi chúng tôi đang phát biểu thì có hàng ngàn người trên khắp thế giới đang chiến đấu để giành lấy mạng sống của mình tại các đơn vị chăm sóc tích cực. Và hàng triệu người khác tiếp tục sống với những hậu quả gây suy nhược cơ thể của tình trạng hậu COVID-19.

Vi rút này vẫn còn ở đây. Nó vẫn đang gây chết người, và nó vẫn đang thay đổi. Nguy cơ vẫn còn ở các biến thể mới xuất hiện gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong.

Tôi nhấn mạnh rằng đây không phải là một quyết định dễ dàng. Đó là một quyết định đã được cân nhắc cẩn thận trong một thời gian, được lên kế hoạch và đưa ra trên cơ sở phân tích dữ liệu cẩn thận.

Nếu cần, tôi sẽ không ngần ngại triệu tập một Ủy ban Khẩn cấp khác nếu COVID-19 một lần nữa khiến thế giới của chúng ta gặp hiểm họa.”.
 

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ cuối bài phát biểu: “COVID-19 đã để lại – và tiếp tục để lại – những vết sẹo sâu trên thế giới của chúng ta. COVID đã thay đổi thế giới của chúng ta, và đã thay đổi chúng ta. Cũng như các quốc gia, cộng đồng và tổ chức y tế công cộng trên khắp thế giới, WHO đã học được rất nhiều điều từ đại dịch này”.

Theo tư vấn của Ủy ban Khẩn cấp,Tổng Giám đốc WHO quyết định sử dụng một điều khoản trong Điều lệ Y tế Quốc tế chưa từng được sử dụng trước đây, để thành lập Ủy ban Đánh giá nhằm xây dựng các khuyến nghị dài hạn, thường trực cho các quốc gia về cách quản lý COVID-19 trên cơ sở duy trì liên tục.

 

Ngoài ra, trong tuần này WHO đã xuất bản ấn bản thứ tư của Kế hoạch chiến lược toàn cầu về chuẩn bị và ứng phó COVID-19, trong đó phác thảo những hành động quan trọng đối với các quốc gia trong năm lĩnh vực cốt lõi: phối hợp giám sát, bảo vệ cộng đồng, chăm sóc an toàn và nhân rộng, tiếp cận các biện pháp đối phó và phối hợp khẩn cấp.


Thông điệp trong bài phát biểu tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với COVID-19
của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

 

Trước đó, ngày 3/5, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng chống COVID-19, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này. Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là “hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 một cách bền vững lâu dài hơn.”

 

Nguồn: Quỳnh Trang
https://suckhoequangninh.vn/who-tuyen-bo-cham-dut-tinh-trang-khan-cap-y-te-toan-cau-do-covid-19-va-quyet-dinh-chua-tung-co-de-quan-ly-covid-19/?fbclid=IwAR1cFCozG83ToK1TdYc4Tb0wLNNKbs2I-0q4NIgDz8Orfr0WacTchV-6V8k