Y tế Quảng Ninh: Ứng dụng tiến bộ KHKT trong khám, chữa bệnh cho nhân dân

Những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh đã triển khai áp dụng, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) y tế, công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của ngành. Nhờ đó, đã mang lại những thành tựu lớn trong công tác chuyên môn, nhất là trong dự phòng và khám, chữa bệnh.
 

Một ca phẫu thuật trong phòng mổ hiện đại tại Bệnh viện Bãi Cháy.

 


       Xét nghiệm chẩn đoán vi rút Mers-CoV chỉ là một trong số rất nhiều xét nghiệm mà Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm được. Với Phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, đạt tiêu chuẩn quốc tế; Trung tâm đã triển khai được kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, kỹ thuật gen trong chẩn đoán dịch bệnh. Hiện Quảng Ninh là một trong số không nhiều các tỉnh, thành trong nước có thể xét nghiệm chẩn đoán các bệnh: Mers-CoV, cúm A (H5N1), cúm A (H7N9); tay chân miệng, rubella; sốt xuất huyết; sởi; định lượng được nồng độ vi rút (viêm gan, HPV, HIV…); kiểm nghiệm các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động, thực phẩm. Phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được các bộ: Y tế, NN&PTNT, KH&CN, Tài nguyên và Môi trường chỉ định là phòng xét nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực: Thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hoá và vi sinh, môi trường… Với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực có trình độ, áp dụng được những tiến bộ KHKT tiên tiến, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát môi trường, nghiên cứu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Điển hình như đợt mưa lụt cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua gây thiệt hại lớn, mất nước kéo dài, môi trường bị ảnh hưởng nặng nề; nhưng với cố gắng của ngành Y tế tỉnh, đặc biệt hệ thống y tế dự phòng, đã ngăn chặn kịp thời sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ tốt sức khoẻ nhân dân.Tháng 7/2015, trước diễn biến phức tạp của dịch Mers-CoV trên thế giới, bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đưa ra một thông tin được dư luận quan tâm: Trung tâm được trang bị thêm máy tách chiết tự động và được chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Cùng với hệ thống RT-PCR có từ trước, Trung tâm đã chạy thử thành công xét nghiệm chẩn đoán vi rút Mers-CoV trong phòng thí nghiệm phân tử của Trung tâm. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để phát hiện sớm các ca nhiễm Mers-CoV khi xâm nhập vào địa bàn tỉnh; giúp cho công tác xử trí, bao vây, cách ly bệnh kịp thời.

 

       Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh vừa triển khai các giải pháp thu hút, đào tạo, đãi ngộ để phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời đầu tư đồng bộ nhiều trang thiết bị hiện đại. Với mục tiêu “Trung ương có những thiết bị gì, Quảng Ninh có những thiết bị đó”, đến nay, các đơn vị y tế tuyến tỉnh đã có những thiết bị công nghệ cao, như: Máy chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, buồng oxy cao áp, máy lọc máu liên tục, hệ thống phẫu thuật nội soi, kính hiển vi phẫu thuật thần kinh, dao mổ siêu âm, máy chụp mạch xoá nền, trung tâm xạ trị… Ngành thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chuyên môn về giúp tỉnh vừa trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân, vừa đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên môn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, công nghệ cao, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, bệnh khó mà không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, như: Can thiệp mạch vành, mổ tim, thay đốt sống cổ, thay đĩa đệm cột sống, phẫu thuật khối u sọ não, thay khớp háng, khớp gối bằng kim loại, phẫu thuật cắt u phổi, cắt gan lớn, lọc máu liên tục... Năm 2015, tỉnh triển khai thêm một số kỹ thuật chuyên sâu như xạ trị trong điều trị ung thư, can thiệp tim mạch và mổ tim hở. Các bệnh viện tuyến huyện cũng thực hiện được nhiều kỹ thuật của tuyến tỉnh, như: Phẫu thuật nội soi ổ bụng, xử lý vết thương gan trong chấn thương, xử lý vết thương tim, phẫu thuật sọ não, thận nhân tạo và nhiều kỹ thuật khó khác…

 

Vận hành hệ thống xét nghiệm vi khuẩn lao nhanh và vi khuẩn

lao kháng thuốc (Genxpert) tại Bệnh viện Lao - Phổi tỉnh.

 

       Ứng dụng CNTT cũng là một trong những đột phá của ngành Y tế tỉnh. Các đơn vị trong toàn ngành đã triển khai hệ thống mạng LAN, internet; các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ được tin học hoá và thực hiện trên môi trường mạng máy tính. Các đơn vị đều ứng dụng các phần mềm trong quản lý, như: Phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý y tế, lấy số tự động, quản lý hồ sơ bệnh án, nội soi, thanh toán BHYT, kế toán… nhằm giảm các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

 

       Từ năm 2014, ngành Y tế tỉnh đã triển khai ứng dụng hệ thống telemedicine với 16 điểm cầu tại các đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh và 2 bệnh viện tuyến trung ương phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, hội chẩn, tư vấn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa..., góp phần tăng hiệu quả điều hành, giúp chuyển giao nhanh các công nghệ về y học. Nhờ ứng dụng mạnh mẽ CNTT nên hầu hết các thủ tục hành chính, quy trình khám, chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sử dụng các dịch vụ y tế và thực hiện các thủ tục hành chính khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh.


Nguồn tin: Sở Y tế Quảng Ninh