Những điều cần biết về bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có xu hướng gia tăng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Hậu quả của bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người mắc. Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này. Nhân Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường (14/11) năm nay, bác sĩ Trần Minh Thái – Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với độc giả những điều cần biết về căn bệnh nguy hiểm này.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, bệnh đái tháo đường là gì và bệnh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người mắc?
Bs Trần Minh Thái: Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường, đây là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu hụt hoặc mất hoàn toàn insulin, hoặc do sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin. 
Bệnh nhân mắc tiểu đường thường chịu nhiều tổn thương ở các cơ quan trên cơ thể, đặc biệt: tim, thận, hệ thần kinh, mắt là những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm, nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý mạch vành, suy thận, mù lòa, tai biến mạch máu não, ảnh hướng đến thần kinh, tê bì chân tay mất cảm giác, loét hoại tử cắt cụt chi…Vì vậy chúng ta không được chủ quan với bệnh tiểu đường.
Phóng viên: Biểu hiện đặc trưng khi mắc bệnh đái tháo đường là gì, thưa bác sĩ?
Bs Trần Minh Thái: Người mắc bệnh đái tháo đường thường có biểu hiện: Khát nước nhiều, uống nhiều nước mà cảm giác khát vẫn còn. Đi tiểu nhiều lần trong ngày ( trên 7 – 10 lần/ngày). Sút cân bất thường, người mệt mỏi. Dễ nhiễm trùng, nhiễm nấm. Giảm thị lực. Khi cơ thể bị trầy xước thì vết thương lâu lành. Ngoài ra, một số trường hợp không rõ triệu chứng bệnh chỉ khi có biến chứng mới phát hiện bệnh.

 

Biến chứng do bệnh đái tháo đường 
 

Phóng viên: Đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 hay đái tháo đường thai kỳ được nhắc đến nhiều trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường, vậy xin bác sĩ cho biết về đặc trưng của sự phân loại này?
Bs Trần Minh Thái: Người ta phân loại đái tháo đường thành các loại: Đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường tuýp 1 chiếm tỷ lệ 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là hậu quả của quá trình hủy hoại các tế bào beta của tuyến tụy không thể tiết ra insulin. Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1 thì 95% là do các bệnh tự miễn gây lên, 5% là vô căn. Người mắc đái tháo đường tuýp 1 là lứa tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Triệu chứng bệnh thì thường tiến triển nhanh, đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, ăn nhiều, người gầy, sụt cân nhanh, mệt mỏi.
Đái tháo đường tuýp 2 chiếm tỷ lệ 90-95% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân mắc bệnh là do cơ chế đề kháng hoặc thiếu hụt insulin. Người mắc thường từ 40 tuổi trở lên nhưng gần đây có xu hướng trẻ hóa. Những người thừa cân béo phì hoặc trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường phát hiện muộn khi có biến chứng.
Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2 trước đó. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi trước, trong và sau sinh. Nguy cơ trước sinh có thể làm thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, ngôi thai bất thường. Trong và sau sinh có thể gặp tình trạng suy hô hấp cấp, hạ đường máu, vàng da nhân, đứa trẻ sau này có nguy cơ béo phì, đái tháo đường.
Phóng viên: Khi mắc bệnh đái tháo đường thì người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs Trần Minh Thái: Người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ nguyên tắc điều trị sau:
Thứ nhất, uống thuốc điều trị bệnh đái tháo đường theo chỉ định của bác sĩ hàng ngày, đúng liều.
Thứ hai, chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý.
Thứ ba, luyện tập thể dục, vận động tùy thuộc vào sức khỏe từng người.
Đây là ba nguyên tắc cơ bản, ngoài ra kết hợp điều trị nếu người bệnh đái tháo đường kèm theo rối loạn mỡ máu.
Phóng viên: Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân để phòng ngừa mắc bệnh đái tháo đường?
Bs Trần Minh Thái: Để phòng tránh bệnh đái tháo đường, chúng ta cần kiểm soát huyết áp tốt; đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh: ăn giảm muối, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nước có ga, chất kích thích bia, rượu; dành thời gian nghỉ ngơi tránh căng thăng; thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để nếu phát hiện bệnh có thể điều trị kịp thời.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

 

(Nguồn: Hải Ninh)

http://www.quangninhcdc.vn/y-te-quang-ninh/ban-tin-y-te/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-dai-thao-duong.16789.html