Tháng hành động quốc gia về Dân số Và Ngày Dân số Việt Nam (26/12/2018)

Tháng hành động quốc gia về Dân số Và Ngày Dân số Việt Nam (26/12/2018)
Bài tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số Và Ngày Dân số Việt Nam (26/12/2018)
I. Tháng hành động quốc gia về Dân số:
Ngày 26 tháng 11 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2161/QĐ- TTg về việc lấy tháng 12 hàng năm là “Tháng hành động quốc gia về Dân số”.
1. Với mục đích là nhằm:
1.1. Nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp Chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình đối với sức khoẻ, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam.
1.2. Tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình của Việt Nam.
2. Lý do phải tổ chức tháng hành động quốc gia về dân số:
Sau 57 năm thực hiện đường lối, Chính sách của Đảng, Phát luật của Nhà nước về dân số- KHHGĐ. Đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược dân số Việt nam 2011- 2015. Công tác dân số- KHHGĐ đã đạt được những kết quả quan trọng, tình trạng gia tăng nhanh dân số về cơ bản đã được kiểm soát. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm từ 6,1 con vào năm 1960 xuống 2,03 con vào năm 2009 và 02 con vào năm 2011. Chính sách DS- KHHGĐ của nước ta đã từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát toàn diện hơn, chú trọng vấn đề chất lượng dân số. Nhưng hiện tại và tương lai công tác DS- KHHGĐ vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về qui mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số.
II. Ngày dân số Việt Nam (26/12/1018):
1. Ý  nghĩa Ngày dân số Việt Nam:
Những năm trước đây giữa lúc đất nước còn bị chia cắt dân tộc Việt Nam phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là : Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước, Hội đồng Chính phủ đã thông qua một Quyết định đặc biệt. Đó là Quyết định số 216 ngày 26/12/1961 về việc hướng dẫn sinh đẻ cho nhân dân, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Ngày 19 tháng 5 năm 1997 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/TTg về việc lấy ngày 26 tháng 12 hàng năm là Ngày dân số Việt Nam.
2. Chủ đề của năm 2018:
“Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”
Hiện nay, vị thành niên, thanh niên nước ta (nhóm dân số từ 10-24 tuổi) chiếm khoảng hơn 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Vấn đề SKSS vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Ở lứa tuổi vị thành niên (VTN) trẻ em có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý. Lúc này, VTN  phát triển mạnh tính độc lập, muốn tách khỏi sự quản lý, kiểm soát của gia đình, phát triển mạnh cá tính và muốn tìm kiếm những mối quan hệ bạn bè cùng lứa. Nhu cầu về tình bạn trở nên quan trọng và dễ chịu ảnh hưởng của nhóm bạn đó; đặc biệt VTN đã chú ý đến người bạn khác giới và dễ nhầm lẫn tình bạn với tình yêu.
Tuy nhiên, trên thực tế, vị thành niên, thanh niên Việt Nam hiện nay đã có sự thay đổi về tập quán và văn hóa, như lập gia đình ở độ tuổi muộn hơn và gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Do đó, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu các khu công nghiệp tập trung. Quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên rất nguy hiểm, dẫn đến các hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng.
Trong các điều tra về thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy, nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm hơn 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%) và cao hơn trung bình cả nước 3,5 lần (2,5%). Tỷ lệ từng kết hôn trong nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi là 2,6%. Điều tra Quốc gia về SKSS và tình dục năm 2015 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện chỉ ra tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các đối tượng điều tra là 18,7 tuổi, khá sớm so với sự phát triển hoàn thiện về thể chất, nhất là ở nữ giới.
Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc SKSS của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm đôi chút trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại. Năm 2010, mang thai ở vị thành niên chiếm 3,24%; năm 2012, con số này tăng lên 3,39% và giảm xuống 2,66 % năm 2015.
Một nghiên cứu trên đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi thanh niên năm 2015 cũng cho thấy, tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 27,8%. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tình trạng sử dụng biện pháp tránh thai không thường xuyên trong quan hệ tình dục rất cao. Thiếu kiến thức toàn diện và chính xác về HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai là kết quả đáng quan tâm ở nữ thanh niên là lao động di cư.
Mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong các chương trình, được phản ánh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành SKSS và tình dục của vị thành niên, thanh niên. Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS và tình dục đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, các dịch vụ KHHGĐ hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên.
* Chú trọng đầu tư vì tương lai giống nòi
Trên thực tế, sự phát triển của xã hội cũng đồng thời tạo ra những thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc SKSS. Vị thành niên/thanh niên được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và trở thành nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về SKSS ở Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, xóa bỏ được những khoảng trống trong chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên có thể mang lại lợi ích cho vị thành niên, thanh niên, nhất là nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, hiện đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho vị thành niên, thanh niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế, xã hội to lớn và lâu dài.
Theo đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mang tính chiến lược như Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em (năm 2014), Luật Thanh niên (năm 2005), Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020… nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, của gia đình và toàn xã hội, vị thành niên, thanh niên Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.