Trung tâm y tế huyện Hải Hà

Hiến tạng
Ngày chuyển đổi số quốc gia

Bộ Y tế họp khẩn bàn phương án đối phó dịch Cúm A(H7N9)

Đăng lúc: Thứ hai - 27/02/2017 14:27 - Người đăng bài viết: Trung tâm y tế huyện Hải Hà
Bộ Y tế họp khẩn bàn phương án đối phó dịch Cúm A(H7N9)

Bộ Y tế họp khẩn bàn phương án đối phó dịch Cúm A(H7N9)

Chiều nay, 20-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành liên quan cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để thông tin về tình hình cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Việt Nam ghi nhận bốn ổ dịch cúm A trên gia cầm

 

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Trung Quốc đã có 425 trường hợp mắc cúm A(H7N9) ở 14 tỉnh, chủ yếu ở phía Đông Nam, trong đó, 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam. Đây là là đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay và có tỷ lệ tử vong cao, chiếm tới 50%. Đa phần những người mắc cúm đều liên quan đến việc tiêu thụ, di chuyển gia cầm.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, đây là dịch bệnh diễn ra lớn nhất và phức tạp nhất với tỷ lệ tử vong khá cao. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nước ta chưa có trường hợp nào mắc cúm A(H7N9), A(H5N1) trên người nhưng vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm. Dù chưa có bằng chứng lây truyền cúm A(H7N9) từ người sang người nhưng trước việc giao thương, du lịch giữa Việt Nam, Trung Quốc với Campuchia lớn, khả năng xâm nhập virus cúm A(H7N9) sang Việt Nam là rất cao.

 

Một thông tin đáng chú ý tại cuộc họp chiều nay được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố là Việt Nam hiện ghi nhận bốn ổ dịch cúm A(H5N1) và A(H5N6) trên đàn gia cầm tại bốn tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An, Nam Định và Quảng Ngãi.

 

Trong hai tháng đầu năm, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ghi nhận ba ổ dịch cúm A(H5N1) tại các xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Riêng ổ dịch cúm gia cầm tại ba hộ thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, hôm nay đã tiêu hủy 4.600 con gia cầm và Ủy ban nhân dân huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm. Tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi nhận ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm.

 

Cũng theo đại diện Cục thú y, hiện Việt Nam đã lấy hơn 200.000 mẫu xét nghiệm tại khoảng 100 chợ và các điểm tập kết có nguy cơ xảy ra dịch cao, nhưng không phát hiện trường hợp nào dương tính với với virus H7N9.

 

Không xảy ra dịch cúm trên gia cầm, sẽ không có dịch trên người

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) ở ngay sát biên giới nước ta, Bộ Y tế đã nhanh chóng cung cấp thông tin về tình hình cúm A(H7N9) và khuyến cáo người dân về biện pháp phòng chống. Bộ Y tế đã có công điện chỉ đạo các Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tăng cường giám sát cúm đặc biệt và có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp ứng phó, tập trung vào việc kiểm soát việc nhập lậu gia cầm, tăng cường truyền thông cho người dân ý thức trước sự nguy hiểm lây lan của dịch bệnh này.

 

Ngành y tế cũng đã tăng cường mở rộng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với những người nghi mắc bệnh và những người chuyên tiếp xúc, buôn bán, vận chuyển gia cầm, nhất là tại khu vực biên giới. Ngành y tế cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

 

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có công điện nghiêm cấm việc vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; tăng cường giám sát để phát hiện sự xâm nhập cúm gia cầm. Các ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép.

 

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngăn chặn được việc nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm thì sẽ ngăn chặn được dịch cúm A(H7N9). Do đó, Bộ đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa để giám sát ở môi trường và gia cầm, tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch (nếu có). Đặc biệt là phải chia sẻ thông tin kịp thời tới cộng đồng để có biện pháp đối phó khẩn cấp với sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành liên quan.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, Việt Nam cần phải đánh giá lại công tác phòng chống dịch xem đã đáp ứng đủ chưa, về cả công tác xét nghiệm đến thuốc men và kịch bản ứng phó với từng tình huống, để từ đó đưa ra phương án, để làm sao không xảy ra dịch cúm trên gia cầm, thì sẽ không có dịch trên người.

 

- http://suckhoedoisong.vn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Fanpage TTYT Hải Hà

CÁC ĐƠN VỊ Y TẾ QUẢNG NINH

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bệnh viện Sản Nhi Bệnh viện Bãi Cháy Trung tâm kiểm soát bệnh tật - CDC Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả Bệnh viện Lao và phổi Bệnh viện lão khoa Bệnh viện Y dược cổ truyền Trung tâm y tế Hạ Long Trung tâm y tế Ba Chẽ Trung tâm y tế Bình Liêu Trung tâm y tế Đầm Hà Bệnh viện đa khoa Hạ Long Trung tâm y tế Tiên Yên Trung tâm y tế Vân Đồn Trung tâm y tế Cẩm Phả Trung tâm Y tế Móng Cái Trung tâm Y tế Uông Bí Trung tâm y tế Đông Triều Trung tâm y tế Quảng Yên