Năm 2021 sẽ triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc
Sau năm 2021, Việt Nam sẽ triển khai bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Đó là một trong những nội dung được chia sẻ trong hội thảo Y tế thông minh trong thời đại công nghệ 4.0 do Bộ Y tế tổ chức diễn ra chiều 19-9.
Việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử đang được triển khai tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, việc ứng dụng này giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu ứng dụng và phát triển y tế thông minh như: xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia và hạ tầng kỹ thuật; xây dựng hệ thống quản trị y tế thông minh; xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh; xây dựng và từng bước hình thành hệ thống khám chữa bệnh thông minh; ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y tế và vaccine, sinh phẩm y tế.
Dự kiến giai đoạn 2018-2021 sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý để ứng dụng và phát triển y tế thông minh. Đến năm 2019 sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, xây dựng hạ tầng kết nối, chia sẻ thông tin y tế; đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng các trung tâm dữ liệu y tế chuyên ngành và xây dựng hạ tầng kết nối, chia sẻ thông tin y tế trên toàn quốc.
Giai đoạn 2018-2021, ngành y tế đặt mục tiêu chuẩn bị nhân lực, tài chính, cơ sở pháp lý để hình thành Trung tâm dữ liệu về gen người Việt Nam.
Về ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong công tác quản lý về y tế, hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử, dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành triển khai nền hành chính y tế điện tử.
“Với ứng dụng y tế thông minh trong công tác khám chữa bệnh, ngành y tế đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác quản lý bệnh viện (HIS, LIS, PACS) và triển khai bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 2 trở lên. Sau năm 2021 sẽ triển khai bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc”, ông Tường cho hay.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện triển khai ứng dụng CNTT rất hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh. Ông Trần Văn Đức cho biết, hiện bệnh viện đã triển khai nhiều hình thức đăng ký khám bệnh qua ki-ốt điện tử, website, thiết bị di động, tổng đài điện thoại, tại bàn khám.
Với việc đưa vào sử dụng thẻ khám bệnh, giúp cho người bệnh có thể tra cứu thông tin được nhanh chóng; không cần dùng tiền mặt; không cần đi đóng tiền tại thu ngân, rút ngắn thời gian chờ đợi. Đặc biệt, khi cần dùng tiền mặt, thẻ này có thể thanh toán cho ăn uống, mua sắm, thậm chí rút tiền tại quầy ATM.
“Khi thiếu tiền, có thể yêu cầu người thân ở quê nhà nạp thêm tiền. Khi quên thẻ ở nhà, vẫn khám bệnh thanh toán được. Để tiền trong thẻ, người bệnh sẽ được hưởng lãi suất theo quy định của ngân hàng”, ông Đức cho hay.
Bệnh viện cũng triển khai tin nhắn điện tử để nhắc nhở người bệnh tái khám đúng hẹn; thông báo có kết quả xét nghiệm; thông báo cáo kết quả chụp MRI, CT, nội soi (clotest); thông báo tình trạng người bệnh mới mổ xong cho thân nhân; thông báo cho người thân em bé mới sinh…
Việc thanh toán xuất viện cũng được tiện lợi hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể thanh toán tiền đóng tạm ứng và thanh toán xuất viện qua website bệnh viện và qua app trên điện thoại. Bệnh nhân có thể thanh toán viện phí ngay tại gường bệnh bằng cách quẹt thẻ thông qua máy mPOS hoặc scan QRCODE. Bệnh viện cũng đang triển khai hình thức thanh toán tiền cận lâm sàng qua các máy Paytouch đặt trong bệnh viện.
Theo ông Đức, từ khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán, năm 2016, bệnh viện tiết kiệm chi phí in ấn hóa đơn 241 triệu đồng (cho hóa đơn giá trị gia tăng). Việc tổng hợp cũng nhanh hơn và công khai, minh bạch rõ ràng với cơ quan thuế. Người bệnh có thể lấy hóa đơn GTGT lúc nào cũng được, mọi lúc, mọi nơi. Khi mất hóa đơn có thể lên hệ thống in lại.
Việc quản lý bệnh án điện tử bằng hệ thống PACS cũng giúp cho bệnh viện này theo dõi và quản lý được hồ sơ sức khỏe người bệnh.
Ngày 19-9, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC) đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam lần thứ 13 (Pharmed & Healthcare Vietnam 2018) với chủ đề “Một điểm đến, sẽ thấy và trải nghiệm tất cả”. Triển lãm có sự tham gia của 600 gian hàng đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã hội tụ các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y tế với nhiều dòng sản phẩm như về dược (thuốc điều trị, thuốc bổ, dược liệu,... ); máy móc sản xuất, đóng gói dược; thiết bị chẩn đoán (X-quang, CT,...), thiết bị điều trị, phẫu thuật, chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng; thiết bị nha khoa, nhãn khoa, thẩm mỹ,... |
- http://www.baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc