Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, mỗi cán bộ thầy thuốc ngành Y tế Quảng Ninh đều sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi tính mạng, sức khỏe của nhân dân bị dịch bệnh đe dọa. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên, y, bác sĩ đã nghỉ hưu của Quảng Ninh cũng hăng hái lên đường, đối mặt với hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nguy hiểm, nóng bỏng nhất...
Các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại
khu cách ly khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Hồi cuối tháng 1/2021, từ ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện đầu tiên tại ổ dịch huyện Vân Đồn, dịch bệnh đã nhanh chóng lan ra các địa phương: Đông Triều, Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả… Quảng Ninh có số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 cả nước, sau Hải Dương ở đợt dịch thứ 3 (tháng 2/2021). Ngành Y tế phối hợp cùng các lực lượng quyết liệt truy vết, thần tốc lấy mẫu, xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm, khoanh vùng phong tỏa, cách ly y tế hợp lý, điều trị hiệu quả... Chỉ trong vòng một tuần, đến ngày 9/2 (tức 28 Tết Tân sửu 2021), Quảng Ninh đã kiểm soát được tình hình, chặn đứng ổ dịch ở TX Đông Triều, dập tắt hoàn toàn ổ dịch tại huyện Vân Đồn.
Giữ địa bàn an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra ngay khi bước vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19. Nhiệm vụ càng nặng nề hơn khi "làn sóng" dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến thể Delta trở thành “cơn bão” càn quét qua các tỉnh khu vực phía Nam và ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, ghi nhận hàng chục nghìn ca F0 mỗi ngày. Lực lượng Y tế Quảng Ninh tiếp tục bám trụ cùng các lực lượng tuyến đầu của tỉnh, tham gia kiểm soát người và phương tiện tại các chốt ra vào tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho người lao động, công nhân các công trường xây dựng, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Sở Y tế đã tham mưu tỉnh để toàn dân nâng cao tinh thần tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh thông qua việc tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xét nghiệm tập trung từ cấp cơ sở, từng đơn vị nhỏ, đến từng hộ gia đình.
Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm test nhanh Covid-19 sàng lọc cho người dân tại trạm Y tế phường Hưng Đạo, TX Đông Triều.
Diễn biến của dịch luôn khó lường, tốc độ xuất hiện, lây lan của các biến thể virus rất nhanh và nguy hiểm. Quảng Ninh lại là địa bàn từ sớm có nhiều nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Điều này luôn đặt ngành Y tế trong tâm thế chủ động ứng phó, không lúc nào được lơ là, mất cảnh giác. Ngay từ tháng 8/2021, với sự tham mưu của ngành Y tế, tỉnh đã xây dựng phương án khi có tình huống 1.000, 5.000 ca F0 và xa hơn là 10.000 ca F0 cần điều trị y tế. Toàn ngành đã rà soát, củng cố đội ngũ nhân lực với 9.700 người, trên 7.200 giường bệnh. Toàn tỉnh có 17 đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đều có thể xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng phương pháp PCR; công suất đạt 15.000 mẫu đơn/ngày và 150.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 10. Các đơn vị y tế đã chủ động mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị phòng hộ… đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, từ tháng 4/2021 đến nay, ngành Y tế đã tổ chức 29 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 và mũi 3 (mũi tăng cường) cho người dân thuộc đối tượng tiêm chủng. Hiện đã có trên 1,1 triệu dân ở Quảng Ninh được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19; trước Tết Nguyên đán 2022 đã cơ bản hoàn thành 95% người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng mũi 3.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân TX Quảng Yên, tháng 1/2022.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, khẳng định: Qua ứng phó với dịch bệnh đã tôi rèn cho đội ngũ y tế cơ sở của Quảng Ninh khả năng thích ứng trước những áp lực chưa từng có. Giờ đây, không chỉ truy vết, cách ly mà cán bộ trạm y tế tuyến xã còn thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà và thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Khối lượng công việc lớn đòi hỏi mỗi cán bộ y tế phải xây dựng kế hoạch, quy trình làm việc khoa học hơn và năng lực làm việc cũng được nâng lên rõ rệt...
Qua ứng phó với đại dịch, ngành Y tế cũng đã linh hoạt, thích ứng nhanh trong công tác khám, chữa bệnh. Hiện các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đều thực hiện song song 2 nhiệm vụ vừa điều trị Covid-19 vừa khám, chữa bệnh thông thường. Các đơn vị trong ngành đã tăng cường triển khai khám, chữa bệnh từ xa với các chuyên gia hàng đầu Trung ương. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng hỗ trợ tối đa cho tuyến dưới thông qua hội chẩn trực tuyến và thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh trong cấp cứu các trường hợp nguy kịch.
Người bệnh điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy) Mặc dù còn những khó khăn, thách thức, nhưng ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục cố gắng, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chung tay cùng với tỉnh phục hồi, phát triển nền kinh tế - xã hội.
Nguồn - https://baoquangninh.com.vn/nganh-y-te-no-luc-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-3173511.html
http://www.soytequangninh.gov.vn/GD_WS/Tintuc_Chitiet.aspx?NewsId=13906
Ý kiến bạn đọc