Dấu hiệu nào để phân biệt cúm B và sốt xuất huyết? Chăm sóc tại nhà thế nào để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe?
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm TS. BS Bùi Thị Thu Hoài, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E sẽ lý giải.
1. Tại sao thời điểm này cúm B lại trở nên rầm rộ hơn?
Theo TS. BS Bùi Thị Thu Hoài, bệnh cúm B có thể gặp quanh năm nhưng ít khi gặp mùa hè, tuy nhiên năm nay điều bất thường là từ tháng 4, tháng 5 đã ghi nhận rải rác các ca bệnh cúm và đến thời điểm này thì đông hơn, rầm rộ hơn.
Rất khó để lý giải tại sao ca bệnh cúm B năm nay lại tăng cao hơn mọi năm, thậm chí có những ổ dịch phức tạp. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn cũng có một số giả thuyết được đưa ra.
Thứ nhất, chu kỳ virus gây bệnh thường có giai đoạn vài năm lại bắt đầu quay trở lại, có thể là 2 năm, 5 năm… các bệnh truyền nhiễm thường như vậy, cúm B cũng không phải ngoại lệ.
Nguyên nhân thứ hai đây đang là thời điểm giao mùa nên khi có các dấu hiệu sổ mũi, ho, hắt hơi… mọi người thường nghĩ là bị cảm cúm thông thường nên không có ý thức trong việc phòng lây nhiễm, thăm khám muộn khiến bệnh lây lan nhanh hơn.
Thêm nữa mọi năm việc tiêm phòng vaccine cúm được thực hiện đầy đủ, hai năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID, tất cả tập trung chống dịch, lo tiêm phòng vaccine COVID-19 nên cũng lơ là trong việc tiêm vaccine phòng các bệnh khác. Vaccine cúm cần phải tiêm nhắc lại hàng năm, do vậy việc không tiêm phòng vaccine cũng là một căn nguyên mà khi có virus gây bệnh dễ khiến bệnh lây lan nhanh hơn.
Có ý kiến cho rằng sau thời gian dịch COVID-19, sức đề kháng giảm sút nên dễ mắc các bệnh về hô hấp… Tuy nhiên đây cũng chỉ là các giả thuyết, để xem chính xác năm nay cúm B có khác thường, mức độ lây lan như thế nào cần nhiều nghiên cứu hơn, TS. Hoài cho biết.
Theo TS. Hoài, virus cúm có 2 type phổ biến là cúm A, cúm B. Cúm A có thể lây từ gia cầm, động vật sang người nên khó kiểm soát hơn, dễ gây thành đại dịch. Cúm B chỉ lây qua người với người nên trên phương diện lý thuyết việc kiểm soát nguồn lây dễ dàng hơn.
Trước đây khi nhắc đến các trường hợp biến chứng nặng thường nhắc đến cúm A, cúm B thông thường nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, gần đây một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ tử vong, biến chứng nặng của cúm B không phải kém so với cúm A, do vậy cũng cần phải đề phòng.
Theo TS. BS Bùi Thị Thu Hoài, hiện nay không chỉ cúm B, sốt xuất huyết mà cả COVID-19 vẫn lưu hành song song với nhau. Các triệu chứng của những căn bệnh này đều có các biểu hiện gần giống nhau có sốt, viêm long đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng), cảm giác ớn lạnh, đau mỏi người… Cả 3 căn bệnh này đều có các triệu chứng không đặc trưng như vậy…. Do vậy với bệnh nhân thông thường rất khó nhận biết.
Với các bác sĩ có những trường hợp phải làm xét nghiệm mới nhận biết được. Tuy nhiên mỗi bệnh cũng có những đặc trưng riêng như sốt xuất huyết với người trẻ tuổi thường sốt cao 39-40 độ C, người già sốt có thể nhiệt độ thấp hơn. Thời gian sốt của bệnh sốt xuất huyết thường dài có trường hợp sốt 5-7 ngày. Với cúm thời gian sốt ngắn hơn từ 3-5 ngày, nhiệt độ có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C.
Cúm B cũng như các loại virus khác có thể tự khỏi nếu thể trạng tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên nếu là cúm đa phần bệnh nhân sẽ đau mỏi người nhiều, nhiều trường hợp cho biết đau người hơn bị COVID. Còn sốt xuất huyết thường đau người, mệt lả, li bì.
Đặc trưng của cúm là có kèm theo viêm long đường hô hấp. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết cũng bị viêm long đường hô hấp, nguyên nhân là do người bệnh đồng thời mắc cả sốt xuất huyết và viêm đường hô hấp trên, hoặc đồng thời mắc virus cúm.
Do vậy, người dân khi có các dấu hiệu sốt, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp, ớn lạnh nên đi làm xét nghiệm cho chắc chắn. Việc dựa vào các triệu chứng nhiều khi không đặc hiệu. Một số bệnh nhân đợi 5,6 ngày xem có phát ban để biết chính xác là sốt xuất huyết hay không thì sẽ chuẩn đoán và điều trị muộn, TS. Hoài khuyến cáo.
Với bệnh nhân cúm dù qua giai đoạn sốt có thể ho kéo dài, tức ngực, khó thở, viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, tim mạch, nhiễm khuẩn huyết… những trường hợp nặng rất khó cho quá trình điều trị sau này.
Đặc biệt với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh về hô hấp như hen phế quản, COPD, lao phổi cũ nếu bị cúm bệnh sẽ dễ trở nặng hơn… Do vậy cần thăm khám, phát hiện sớm.
Việc thăm khám, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Có nhiều gia đình một người mắc sau đó lây lan cho cả các thành viên khác, nếu bệnh nhân được thăm khám, phát hiện sớm để có thuốc điều trị và các biện pháp dự phòng sớm sẽ ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh, BS. Hoài cho biết.
3. Chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà thế nào để nhanh chóng hồi phục sức khỏe?
TS. BS Bùi Thị Thu Hoài khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị cúm, người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm. Những trường hợp sốt cao liên tục, có bệnh nền, trẻ nhỏ sốt cao co giật nên được theo dõi tại bệnh viện.
Còn các bệnh nhân mắc cúm B thông thường có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần giải thích cho người bệnh biết đây là căn bệnh do virus gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị dứt điểm được ngay thời điểm sốt mà theo diễn biến tự nhiên, điều trị triệu chứng.
Nhiều trường hợp bác sĩ có chỉ định điều trị tại nhà nhưng 2, 3 ngày không thấy hạ sốt lại yêu cầu được vào viện điều trị. Với bệnh nhân cúm B yêu cầu hết sốt ngay khi gặp bác sĩ là không thể, mà triệu chứng sốt thường kéo dài 3-5 ngày. Nếu chưa có các dấu hiệu nguy hiểm thì cứ yên tâm điều trị tại nhà.
Các dấu hiệu nguy hiểm gồm những bệnh nhân sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, tức là uống thuốc hạ sốt không giảm, li bì, bệnh nhân khó thở, thở nhanh, tay chân co quắp, tím tái, tức ngực… cần phải nhập viện ngay.
Còn các triệu chứng sốt, đau mỏi người là triệu chứng chung của cúm B, bệnh nhân nên yên tâm điều trị tại nhà.
Việc chăm sóc tại nhà rất quan trọng giúp bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Có thể chườm mát, nhiệt độ chườm thấp hơn nhiệt độc cơ thể 3-4 độ C, không chườm lạnh quá hoặc nóng quá cơ thể không hạ sốt do không có tác dụng truyền nhiệt.
Uống nhiều nước, nên ăn lỏng, uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định cách 4-6 tiếng, uống đúng liều cho phép.
Bệnh nhân có viêm long đường hô hấp ngoài dùng thuốc theo đơn bác sĩ có thể chăm sóc đường hô hấp bằng cách súc miệng họng bằng nước muối, vệ sinh mũi họng, giảm bớt các thực phẩm gây kích ứng hầu họng như cay, chua, nóng. Điều quan trọng cần nâng cao thể trạng để trải qua giai đoạn bệnh từ 7-10 ngày. Tăng sức đề kháng bằng cách bổ dung các loại vitamin C, vitamin tổng hợp.
Cần có người ở cùng chăm sóc theo dõi để phát hiện các trường hợp diễn biến nặng.
Tiêm vaccine phòng cúm là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Nếu đã bị cúm rồi thì không cần tiêm vaccine trong năm đã mắc do cơ thể đã sinh ra kháng thể, nhưng nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm trong những năm sau, thời điểm tiêm nên trước mùa cúm từ 2 đến 3 tuần hàng năm.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)
Ý kiến bạn đọc