Trung tâm y tế huyện Hải Hà

Hiến tạng

Khám thai định kỳ giúp mẹ và con khỏe mạnh

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/10/2019 10:54 - Người đăng bài viết: mhung2012
Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần thực hiện khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như phòng tránh các bất thường sản khoa.
Sản phụ được quản lý thai nghén tại TTYT huyện Hải Hà.

Sản phụ được quản lý thai nghén tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Cuối tháng 9/2019, Khoa tiếp nhận một phụ nữ mang thai tuần 39 có dấu hiệu chuyển dạ nhưng khi kiểm tra thì thai nhi đã chết lưu trong bụng mẹ. Điều đáng nói, kết quả xét nghiệm máu có nhiều chỉ số bất thường, tuy nhiên 3 tháng cuối thai kỳ, sản phụ chủ yếu thực hiện siêu âm kiểm tra nên không phát hiện bệnh lý kịp thời, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Sản phụ này không đăng ký quản lý thai nghén tại Bệnh viện.

 

Theo kết quả lấy máu xét nghiệm kiểm tra cho thấy, thai phụ có nhiều chỉ số bất thường nguy hiểm: Đường máu cao (16,28 mg/l), Acid Uric 555mmol/l, men gan tăng, tiểu cầu giảm. Các bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chẩn đoán thai phụ bị tiền sản giật nặng biến chứng HELLP, đái tháo đường thai kỳ. Đây là nguyên nhân dẫn đến thai nhi yếu dần và chết lưu trong bụng mẹ mà không có dấu hiệu rõ ràng.

 

Các sản phụ khám thai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ được lấy máu xét nghiệm và theo dõi thai bằng monitoring trong quá trình mang thai

Các sản phụ khám thai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được lấy máu xét nghiệm và theo dõi thai bằng monitoring trong quá trình mang thai. Ảnh: Hà Trang (CTV)

 

Mới đây, Khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí tiếp nhận một bệnh nhân mang thai 9 tháng bị đau bụng, ra máu âm đạo. Sau khi nhập viện các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, siêu âm, làm các xét nghiệm, sản phụ được chẩn đoán thai đã chết lưu ở thời điểm thai được 38 tuần 3 ngày. Mặc dù thai đã đủ tháng nhưng thai nhi chậm phát triển và chỉ nặng có 1,7kg. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến thai bị chết lưu.

 

Hiện nay, việc khám và quản lý thai nghén ngày càng được quan tâm, tuy nhiên nhiều người chưa nhận thức được đầy đủ quy trình kiểm tra ở các mốc quan trọng nhằm tầm soát triệt để các nguy cơ từ mẹ và bé. Đã có những trường hợp thai chết lưu khi đã ở tuần thứ 38, thứ 39 của thai kỳ do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối, sản phụ chủ yếu kiểm tra sự phát triển của thai nhi bằng phương pháp siêu âm mà không làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện các bệnh lý có nguy cơ mắc phải trong những tháng cuối thai kỳ, nên có thể dẫn đến sức khỏe thai suy yếu và chết lưu ngay trong bụng mẹ mà không biết.

 

Sản phụ được theo dõi sức khỏe trong thời gian chờ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi.

Sản phụ được theo dõi sức khỏe trong thời gian chờ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

 

Bác sĩ Trần Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: Những bệnh lý sản phụ có nguy cơ mắc phải trong thời kỳ mang thai có thể được phát hiện nếu khám và quản lý thai nghén đúng cách. Vì vậy, không chỉ thời gian đầu, mà 3 tháng cuối thai kỳ là thời điểm rất quan trọng, bởi giai đoạn này các bà mẹ có thể phải đối diện với những nguy cơ: Tiền sản giật, đái tháo đường, thiếu ối, nhau tiền đạo, nhau bong non, thai tăng trưởng chậm trong tử cung, thai to, thai chết lưu...

 

Bên cạnh đó, khám thai phải thực hiện đúng quy trình chuẩn với các bước cơ bản như: Hỏi, khám sản khoa, tiêm phòng, xét nghiệm, siêu âm thai… Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng nhận thức được như vậy, nên việc đi đăng ký quản lý thai sớm trong 3 tháng đầu không thực hiện nghiêm túc. Trên thực tế, vẫn có một số ít phụ nữ ít đi khám thai, gần đến ngày đẻ mới vào bệnh viện. Điều này rất nguy hiểm, việc xử trí các bệnh lý của sản phụ và bác sĩ sẽ khó tiên lượng tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong quá trình sinh nở.

 

Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 3 lần trong quá trình mang thai. Lần khám thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu; lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa; lần khám thứ 3 vào 3 tháng cuối. Ngoài 3 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...

 

Trong các lần khám thai, thai phụ ngoài được thăm khám ban đầu còn có thể cần kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm, monitoring sản khoa...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi.

 

Bác sĩ Trần Thị Huyền cho lời khuyên, các thai phụ không nên thay đổi liên tục bác sĩ hoặc nơi khám thai định kỳ. Hãy lựa chọn bác sĩ và một nơi khám cố định, uy tín, như vậy sẽ thuận lợi hơn cho việc theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé, góp phần đảm bảo đến ngày sinh được “mẹ tròn con vuông”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoa
Nguồn tin: www.baoquangninh.com.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Fanpage TTYT Hải Hà

CÁC ĐƠN VỊ Y TẾ QUẢNG NINH

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bệnh viện Sản Nhi Bệnh viện Bãi Cháy Trung tâm kiểm soát bệnh tật - CDC Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả Bệnh viện Lao và phổi Bệnh viện lão khoa Bệnh viện Y dược cổ truyền Trung tâm y tế Hạ Long Trung tâm y tế Ba Chẽ Trung tâm y tế Bình Liêu Trung tâm y tế Đầm Hà Bệnh viện đa khoa Hạ Long Trung tâm y tế Tiên Yên Trung tâm y tế Vân Đồn Trung tâm y tế Cẩm Phả Trung tâm Y tế Móng Cái Trung tâm Y tế Uông Bí Trung tâm y tế Đông Triều Trung tâm y tế Quảng Yên