Không có cách nào tốt hơn để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19 là tiêm chủng. Vắc xin Covid-19 đã làm giảm đáng kể các trường hợp bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, ghi nhận về những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn bị nhiễm Covid-19 đang thách thức nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu.
Vì vậy, trong một tình huống thuận lợi, virus sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ của vắc xin được gọi là nhiễm trùng đột phá. Hiện tượng này thường phát sinh 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 của vắc xin.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cũng khuyến cáo: "Mặc dù vắc xin được phê duyệt có hiệu quả cao, nhưng vẫn có những trường hợp nhiễm Covid-19 đột phá, đặc biệt trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm".
Người đã tiêm vắc xin vẫn mắc Covid-19 có thể do các lý do:
- Việc chủng ngừa chỉ tạo ra phản ứng miễn dịch yếu (đặc biệt với người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, ung thư, tuổi cao...)
- Khả năng miễn dịch do vắc xin cung cấp giảm theo thời gian
- Virus tiến hóa để đột phá
Theo một nghiên cứu ở Ấn Độ, 87% ca nhiễm Covid-19 đột phá ở Ấn Độ do các biến thể gây ra. Chỉ có 9,8% số ca bệnh phải nhập viện, tỷ lệ tử vong là 0,4%.
Trong khi đó, tờ New York Times đánh giá tỷ lệ nhiễm Covid-19 sau tiêm vắc xin ở Mỹ khoảng 1/5.000 người, thậm chí thấp hơn trong cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Các triệu chứng của nhiễm Covid-19 đột phá
Khảo sát gần 600 người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc Covid-19 ở Ấn Độ, 71% bệnh nhân có triệu chứng, số còn lại không có biểu hiện bệnh.
Các triệu chứng phổ biến là sốt (69%), kế tiếp là đau mỏi người, đau đầu, nôn mửa (56%), ho (45%), đau họng (37%), mất vị giác, khứu giác (22%), đi ngoài (6%), khó thở (6%), sưng tấy (1%).
(Nguồn: vnexpress.net)
Ý kiến bạn đọc