Dự báo, dịp cuối năm khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong nước cũng như ở Quảng Ninh, thị trường hàng hoá sẽ rất sôi động do nhu cầu tiêu thụ mùa lễ, Tết. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm tăng cao, kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh giám sát ATTP và phòng chống dịch Covid-19
tại bếp ăn tập thể Khách sạn Vân Long (TP Cẩm Phả). Gần đây các vụ việc nông sản, thực phẩm không bảo đảm VSATTP được phát hiện, tiếp tục gây lo lắng cho người tiêu dùng. Vụ ngộ độc pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới (có trụ sở tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cách đây vài tháng là một ví dụ.
Hay mới đây, Đội QLTT số 11 và Công an huyện Đầm Hà thu giữ 200kg cua lông nhập lậu từ Trung Quốc; Đồn Biên phòng Trà Cổ thu giữ, tiêu hủy hơn 67.400 con gà, vịt giống; 37.400 quả trứng vịt lộn vận chuyển trái phép...
Có thể thấy, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất ATTP sẽ diễn biến phức tạp.
Do vậy, công tác quản lý ATTP tiếp tục được các cấp, các ngành của tỉnh tăng cường. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thì các ngành chức năng cũng tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của tỉnh, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực phẩm sẽ giảm bớt. Thay vào đó, các ngành chức năng của tỉnh thực hiện giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở SXKD thực phẩm chấp hành pháp luật về ATTP. Đây là hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.
Người dân, du khách tới tham quan, mua sắm tại Hội chợ Triển lãm kích cầu tiêu dùng và
Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Ninh từ ngày 10-15/12/2020. Theo ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Chúng tôi luôn xác định, tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm ATTP. Do đó, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về ATTP; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về ATTP...
Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng; nên mua thực phẩm an toàn, đọc kỹ nhãn mác sản phẩm thực phẩm trước khi lựa chọn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không uống rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính...
Bên cạnh đó, các cơ sở SXKD thực phẩm của tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm thông tin nhanh, chính xác về nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 4 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn gồm: Thịt lợn, gạo nếp cái hoa vàng, rau, chả mực. Theo đó, các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm đã được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời về cơ sở kỹ thuật cho sản xuất, chế biến, kinh doanh; giám sát chất lượng ATTP; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc...
Đến nay, 269 cơ sở SXKD thực phẩm của tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). 10 tháng năm 2020 toàn tỉnh đã cấp phát 90.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống làm giả cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản...
Cùng với đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... đã thực hiện nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh. Nhờ đó, không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả cơ quan chức năng cũng dễ dàng giám sát nguồn gốc hàng hóa.
Nguồn: Nguyễn Hoa - http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202012/dam-bao-attp-dip-cuoi-nam-2514247/
http://www.soytequangninh.gov.vn/GD_WS/Tintuc_Chitiet.aspx?NewsId=11499
Ý kiến bạn đọc