Khi những “chiến sĩ áo trắng" xuất kích
Tại khu cách ly đặc biệt, Bệnh viện số 2, nơi đang cách ly, điều trị cho các bệnh nhân nghi ngờ và mắc Covid-19, không ai rõ mặt, tất cả các y, bác sĩ luôn phải mặc quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân khi tiếp xúc người bệnh đang được điều trị tại đây. Và trong số đó, rất nhiều bác sĩ đã làm việc xuyên Tết, một tháng nay không về nhà để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Bác sĩ Dương Văn Linh, chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, hiện đang tăng cường tại Bệnh viện số 2, đã từng 3 lần xung phong tham gia chống dịch, chia sẻ: Mang trên mình sứ mệnh là những y, bác sĩ, chúng tôi tự hào vì có thể góp sức chống dịch, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Vậy nên, dù có một cái Tết xa nhà hay nhiều hơn thế thì chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng, tất cả vì sức khỏe của cộng đồng.
Những “chiến sĩ áo trắng” vẫn luôn là thế, đứng trước sự an nguy về sức khỏe, tính mạng của người dân, của cộng đồng, họ luôn hết lòng cống hiến, hy sinh với tinh thần trách nhiệm cao nhất của mình. Không riêng bác sĩ Linh, hằng trăm y, bác sĩ của tỉnh đã và đang gác lại cuộc sống thường nhật tạm rời xa gia đình, người thân để lao vào tâm dịch, làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp.
Đáng tự hào biết bao, khi trong những bộn bề nỗi lo về dịch bệnh, mỗi người dân vẫn có thể vững tâm khi được thấy hình ảnh của các y, bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh... tình nguyện xung phong tăng cường vào tâm dịch; hình ảnh của các y, bác sĩ ở CDC Quảng Ninh ngày đêm làm việc liên tục với hàng nghìn mẫu xét nghiệm mỗi ngày; là hình ảnh của các y, bác sĩ miệt mài bên những giường bệnh song luôn giữ vững một tinh thần nhiệt huyết, lạc quan để chăm sóc bệnh nhân, truyền cho họ niềm tin để an tâm điều trị, chiến thắng bệnh tật tại Bệnh viện số 2, Bệnh viện số 3, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí...
Tổng lực trên trận tuyến chống dịch
Ngày 27/1, tỉnh Quảng Ninh xuất hiện ca mắc dịch Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, ngay lập tức, các biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao nhất đã được kích hoạt nhằm nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Và chỉ sau chưa đầy một tuần, đà lây nhiễm đã được ngăn chặn.
Đến nay, ổ dịch tại Đông Triều đã được khóa chặt, ổ dịch tại Vân Đồn đã được dập tắt hoàn toàn. Có được kết quả đó, phải kể đến sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phải kể đến sự nỗ lực của ngành Y, tinh thần quyết chiến quyết thắng của đội ngũ y, bác sĩ - những “chiến sĩ áo trắng”.
Cùng với đó, để bổ sung nguồn lực, hỗ trợ kịp thời phục vụ công tác chống dịch, UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán cấp bổ sung kinh phí cho Sở Y tế (đợt 1) gần 39 tỷ đồng để mua sắm vật tư, sinh phẩm, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch. Các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và nguồn xã hội hóa trực tiếp mua sắm vật tư, sinh phẩm, hóa chất đảm bảo tiến độ lấy mẫu xét nghiệm, từ đó có kế hoạch cách ly, điều trị kịp thời.
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trong cộng đồng, ngành Y tế đã nhanh chóng vận hành kế hoạch đáp ứng với 5 cấp độ dịch bệnh đã được xây dựng và tỉnh phê duyệt từ đầu năm 2020. Đồng thời, chỉ đạo điều chỉnh hoạt động của hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh để tăng cường năng lực thu dung, cách ly, điều trị tại chỗ cho các trường hợp nghi ngờ và mắc Covid-19; đào tạo khẩn cấp cho trên 400 cán bộ y tế và hơn 110 sinh viên Trường Cao đẳng y tế về công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm; cử 290 y, bác sĩ và phương tiện đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch cấp bách tại 3 địa bàn trọng điểm Đông Triều,Vân Đồn, Hạ Long.
Cùng với đó, mở rộng công suất bệnh viện số 2 để thu dung cách ly điều trị cho các ca F0; thiết lập Bệnh viện số 3 đặt tại Bệnh viện đa khoa Hạ Long với quy mô 250 giường bệnh, đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị các đối tượng F1 có triệu chứng; Bệnh viện số 1 đặt tại Trung tâm Y tế TP Móng Cái đảm bảo công tác thu dung, cách ly và điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19.
Các cơ sở điều trị còn lại trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện giải phóng bệnh nhân đang điều trị nội trú, chỉ giữ lại điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân không thể điều trị ngoại trú để huy động cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch. Năng lực xét nghiệm của 6 đơn vị y tế của tỉnh được nâng cao, đạt 7.000 mẫu đơn/ngày, 40.000 mẫu gộp/ngày.
Và lại một năm nữa, các y, bác sĩ không thể cùng nhau chia sẻ niềm vui hân hoan trọn vẹn trong dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 nhưng chắc chắn đối với mỗi người, được nhìn thấy mỗi bệnh nhân phục hồi, nụ cười an tâm của người bệnh mới chính là niềm hạnh phúc, tự hào và là sự cổ vũ lớn lao nhất. Tin tưởng rằng với tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, các thầy thuốc chắc chắn sẽ không chùn bước trước dịch bệnh. Họ sẽ luôn có mặt ở đó - nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go hôm nay.
Ý kiến bạn đọc