Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi ngộ độc thức ăn là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia...
Biểu hiện:
Ngay sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc chỉ cần vài phút, vài giờ, có thể một vài ngày, người bệnh thấy đột ngột có những triệu chứng như buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần 3-5 lần hoặc hơn phân nhiều nước có thể có máu, có thể sốt trên 38 độ C hay không sốt.
Sơ cứu:
- Nhanh chóng tìm biện pháp đẩy chất độc ra ngoài cơ thể như nôn, dùng tay kích thích họng đẩy thức ăn và chất độc ra ngoài. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh và khi nôn cần để đầu bệnh nhân cúi thấp hơn ngực, tránh để sặc do chất nôn vào phổi. Đặc biệt, trẻ 6 tuổi trở lên mới được gây nôn, đối với trẻ còn bé không nên gây nôn vì rất nguy hiểm đến tính mạng.
- Bổ sung nước, điện giải kịp thời vì người bị ngộ độc thường mất nhiều nước do nôn, đi ngoài nhiều lần. Có thể bổ sung bằng nước lọc pha thêm muối như 1 lít nước pha thêm 2 thìa cà phê muối tương đương khoảng 10 gram muối, uống oresol hay nước hoa quả…
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng mất nước và mất muối cấp; trong đó, có muối và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Đối với trẻ sơ sinh, người già và những người có hệ miễn dịch kém hoặc bệnh mãn tính thì trở nên nguy hiểm cho tính mạng do rối loạn nước và điện giải không bù. Trường hợp này, cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được bù nước và điện giải. Trong trường hợp mất nước nặng có thể gây tử vong.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm:
Trong những ngày hè như hiện nay, nhiệt độ và độ ẩm không ổn định, nhất là những năm gần đây ảnh hưởng của vi khí hậu tác động không nhỏ đến đời sống, sức khỏe con người. Môi trường biến đổi là điều kiện rấ́t tốt cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, vi rút dẫn tới ô nhiễm hoặc làm cho thức ăn dễ ôi thiu nếu không được bảo quản khoa học.
Vì vậy, chúng ta nên lưu ý đến cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm như:
Nên lựa chọn thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng. Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình. Cần đảm bảo vệ sinh khâu chế biến thực phẩm. Rửa rau, quả dưới vòi nước chảy trước khi nấu, chế biến và gọt vỏ trước khi ăn. Đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải sạch sẽ. Luôn rửa sạch tay thật kỹ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với các loại thú, vật nuôi.
Cần phải nấu chín kỹ thức ăn trước khi ăn. Các thực phẩm để dành chỉ nên để trong tủ lạnh trong vòng từ 1- 3, nếu để ngoài tủ lạnh thì không để quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn. Cất giữ thịt và cá chưa chế biến trong bao kín và giữ trong ngăn đá của tủ lạnh, giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu ở nhiệt độ tủ lạnh dưới 5 độ C. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn, có mùi vị lạ bất thường, hoặc bị ôi thiu, nổi nấm mốc....Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác. Động vật thường chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm.
Ý kiến bạn đọc