Rượu, bia là thức uống quen thuộc trong mỗi dịp tết đến xuân về, mặc dù chúng mang đến rất nhiều phiền toái cho sức khỏe và xã hội. Một chút rượu bia chúc Tết đã là một thói quen có từ lâu, chúng cũng có tác dụng làm tăng nhịp tim và sức co bóp cơ tim, làm lưu thông máu nhịp nhàng hơn. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều và không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Trong dịp tết lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.
Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh, do đó sử dụng nhiều rượu bia có thể gây ra một số các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, làm gia tăng các ý tưởng tự sát hoặc xu hướng tấn công. Người nghiện rượu dễ bị kích động, thần trí không ổn định và trở nên bạo lực. Đã có những trường hợp giết người rất đau lòng chỉ vì sử dụng bia rượu dẫn tới không tự kiểm soát được hành vi. Theo bản tin của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 0,05g/100ml (tương đương với uống 2 cốc bia) có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu, bia.
Để hạn chế điều này, những điểm mới trong Bộ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 đã quy định:
1. Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
2. Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
3. Không được mở mới điểm bán rượu, bia trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế và trường học.
4. Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
5. Cấm quảng cáo rượu, bia trên TV và radio trong thời gian từ 18:00 đến 21:00 giờ hàng ngày, và trước, trong hoặc sau các chương trình dành cho thiếu nhi, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Lượng rượu bia được tiêu thụ rất nhiều trong dịp Tết Khi sử dụng quá nhiều rượu gây ra ngộ độc rượu do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…). Trong 1“đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.
Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…
Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Uống rượu bia dễ gây tổn thương gan và mắc các bệnh về gan
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1.Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia./.
Nguồn: Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh (tổng hợp)
https://suckhoequangninh.vn/phong-chong-ruou-bia-trong-dip-tet-nguyen-dan/
Ý kiến bạn đọc